Lô đất “vàng” cạnh sân bay Tân Sơn Nhất lọt vào tầm ngắm của Vietjet Air

Hãng hàng không Vietjet Air vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị hợp tác kinh doanh khu đất thuộc quản lý của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam, tại địa chỉ 58 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.

Theo đó, Vietjet Air bày tỏ, qua tìm hiểu được biết Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM) là đơn vị được giao quản lý khu đất có diện tích khoảng 2,1ha tại địa chỉ 58 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM và chưa đầu tư xây dựng dự án.

“Sau khi chủ động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và lợi thế của khu đất, Vietjet nhận thấy việc hợp tác giữa hai đơn vị trong ngành hàng không là VATM và Vietjet để đầu tư xây dựng và khai thác dự án tại khu đất 58 Trường Sơn là phù hợp với chỉ đạo của Bộ GTVT về việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạng tầng hàng không và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất hạn chế”, đại diện Vietjet Air cho hay.

Cũng theo đề xuất của Vietjet Air, việc hợp tác giữa hai đơn vị trong ngành hàng không (VATM và Vietjet) để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu cụ thể về văn phòng làm việc, khách sạn sân bay (phục vụ cán bộ nhân viên làm việc tại sân bay và tổ bay), trung tâm dịch vụ hậu cần hàng không… là rất cần thiết đối với cả hai đơn vị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không và trực tiếp là hoạt động khai thác hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Nhằm đảm bảo hiệu quả và tiến độ triển khai công việc, Vietjet kính đề nghị Bộ GTVT xem xét, tạo điều kiện và chấp thuận cho Vietjet được chính thức làm việc với VATM, để xác định hình thức đầu tư phù hợp và xây dựng phương án hợp tác kinh doanh chi tiết của dự án tại khu đất 58 Trường Sơn”, đại diện Vietjt Air bày tỏ.

Theo Vietjet Air, sau 5 năm hoạt động, Vietjet hiện khai thác 45 tàu bay A320/A321 trên mạng lưới hơn 80 đường bay nội địa và quốc tế với tổng sản lượng vận chuyển, đạt 35 triệu lượt hành khách và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường vận chuyển hàng không nội địa.

Trong đó TP. HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Vietjet xác định là căn cứ lớn nhất với văn phòng giao dịch chính của Hãng và đội ngũ đông đảo cán bộ nhân viên, trang thiết bị nhằm đáp ứng hoạt động của trung bình 160 chuyến bay đi/đến mỗi ngày, cùng 22 tàu bay đỗ qua đêm.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, Vietjet có kế hoạch tăng cường hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với số lượng chuyến bay đi/đến và tàu bay đỗ qua đêm dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Hãng tại TP. HCM và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đều đang phải thuê sử dụng với chi phí rất lớn và tồn tại những bất cập nhất định, ảnh hường trực tiếp đến hoạt động khai thác vận hành.

Liên quan đến lô đất số 58, đường Trường Sơn, phường 2 (quận Tân Bình, TP. HCM), ngày 13/1/2017, Công ty Cửu Nguyễn đã nộp đơn khởi kiện gửi lên Tòa án Nhân dân quận Tân Bình (TP. HCM), bên bị kiện là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Tuy nhiên, tới ngày 30/3/2017, Công ty Cửu Nguyễn đã thay đổi nội dung khởi kiện; thay đổi đối tượng bị kiện từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam thành Công ty Quản lý bay miền Nam.

Thay đổi từ yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê bất động sản, thành yêu cầu “Tòa án Nhân dân quận Tân Bình tuyên hợp đồng thuê bất động sản giữa Công ty Quản lý bay miền Nam và Công ty TNHH MTV Cửu Nguyễn ngày 22/12/2014 là vô hiệu”, do Công ty Quản lý bay miền Nam không có thẩm quyền cho thuê bất động sản tại địa chỉ 58 Trường Sơn, phường 2 (quận Tân Bình, TP. HCM). Ngoài ra yêu cầu công ty Quản lý bay miền Nam có trách nhiệm phải bồi thường số tiền 2 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Cửu Nguyễn.

Bảo Nam – Thương hiệu và Công luận

Bài Viết Liên Quan